Tiếp tục đi vào “vết xe đổ”
24 dự án này được KTNN thực hiện sau khi thực hiện với 27 dự án BOT vào năm trước. Trong tổng số dự án BOT được kiểm toán đợt này xuất hiện nhiều cái tên đã từng nổi sóng, thu hút sự chú ý của dư luận vừa qua. Điển hình như trạm Cai Lậy ở Tiền Giang, hay dự án cải tạo, nâng cấp QL1, đoạn Hà Nội - Bắc Giang; dự án Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình; dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi… Trên cơ sở kiểm toán 24 dự án BOT, KTNN đã kiến nghị giảm trừ thời gian thu phí gần 63 năm.
Nhấn mạnh đến sự cần thiết khi kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, theo Tổng KTNN, nếu không làm BOT thì không tìm ra nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Những sai sót, bất cập thường thấy như tính toán sai lưu lượng xe, mức phí, trạm thu phí, rồi chi phí đầu tư, hay chất lượng công trình thì phải hoàn thiện lại để giai đoạn sắp tới, việc thu hút và triển khai các dự án BOT hiệu quả hơn.
Về thời điểm thực hiện, ông Hồ Đức Phớc khẳng định, KTNN vào cuộc sớm nhất trong các cơ quan thanh, kiểm tra đối với BOT. Nếu là kiểm toán chi phí thì phải kiểm tra chi phí trực tiếp, gián tiếp và chế độ chính sách khác. Nếu có điều kiện có thể kiểm toán hiện trường, kiểm toán chất lượng công trình.
“Riêng doanh thu phải kiểm toán trên hiện trường, phải xác định lưu lượng xe qua lại trên thực địa, mới tính được doanh thu có sát thực tiễn hay không. Từ đó mới quy chiếu ra được thời hạn thu hồi vốn là bao nhiêu”, ông Phớc nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, nếu kiểm toán vào muộn, khó có thể kiểm toán chính xác công trình. Ngay trong giai đoạn tiền kiểm toán, có thể vào cuộc, đánh giá ngay xem thủ tục đầu tư, dự án phê duyệt, chỉ định thầu có đúng hay không?...
Theo ông Hồ Đức Phớc, những tồn tại, bất cập tại các dự án BOT được kiểm toán lần này, chủ yếu vẫn giống với 27 dự án trước đây. KTNN kiến nghị, các dự án BOT phải đảm bảo sự công khai, minh bạch, có kế hoạch, chiến lược rõ ràng. Cùng với đó, cần tập trung giám sát chất lượng và khối lượng công trình; quyết toán sớm các dự án và tính toán doanh thu, chi phí chính xác để có thời gian thu phí một cách đúng đắn nhất, trên cơ sở đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, người dân và nhà nước.
Được biết, trong khoảng một tháng nữa, KTNN sẽ công bố kết quả kiểm toán đối với 24 dự án BOT này. Qua đánh giá ban đầu thì các dự án này vẫn đi theo “vết xe đổ” của các dự án trước, như chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu chưa đủ năng lực và kinh nghiệm, vị trí đặt trạm chưa hợp lý…
Phát hiện sai phạm 2.000 tỷ đồng tại 6 dự án BOT ở TPHCM
Theo báo cáo của UBND TPHCM, từ năm 2010 đến tháng 6/2015 trên địa bàn thành phố có 13 dự án BOT, BT giao thông, môi trường đang được triển khai với gần 33 ngàn tỷ đồng của 8 nhà đầu tư. Trong đó có 5 dự án trong lĩnh vực giao thông đã hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ, 8 dự án đã ký hợp đồng hoặc đang triển khai với tổng mức đầu tư gần 26 ngàn tỷ đồng.
Qua thanh tra 6 dự án, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, tại dự án BOT cầu Phú Mỹ, UBND TPHCM đã ưu ái chọn Cty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm nhà đầu tư dù hồ sơ chuẩn bị đầu tư của doanh nghiệp này thiếu phương án huy động vốn, chưa đủ giấy tờ cam kết của ngân hàng hoặc nhà cấp vốn, tức được lựa chọn khi chưa rõ năng lực nhà đầu tư.
Trong quá trình thực hiện dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ theo hình thức BT với tổng mức đầu tư hơn 1.440 tỷ đồng, UBND TPHCM không thực hiện việc xây dựng công bố danh mục kêu gọi đầu tư và đấu thầu rộng rãi mà giao luôn cho Cty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ thực hiện dự án.
Hay tại dự án BOT nâng cấp cải tạo QL 1A đoạn An Sương - An Lạc (do Bộ GTVT ký kết với nhà đầu tư là Cty Cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO từ năm 2003, đến 2010 chuyển giao TPHCM quản lý), quá trình thực hiện, IDICO đã đề xuất bổ sung xây dựng 2 nút giao thông và lắp đặt dải phân cách làn xe cơ giới và thô sơ với tổng mức đầu tư hơn 704 tỷ đồng.
Thay vì bổ sung dự án vào danh mục và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia theo quy định, UBND TPHCM đã chỉ định luôn IDICO làm nhà đầu tư. Việc không kiến nghị, không xây dựng và công bố kế hoạch dự án hoặc có nhưng chậm và chỉ định thầu đã không phát huy được nguồn lực xã hội, làm giảm tính cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, khó lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm tốt nhất.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và TPHCM xử lý khoản tiền sai phạm theo kết quả thanh tra là 2.172 tỷ đồng; giảm giá trị quyết toán dự án 497 tỷ đồng; thu về ngân sách thành phố từ các nhà đầu tư với giá trị hơn 41 tỷ đồng do thực hiện không đúng quy định. Đồng thời UBND TPHCM, Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Dương kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đã vi phạm các quy định pháp luật.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý với kiến nghị Thanh tra Chính phủ về xử lý sai phạm với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng tại 6 dự án BOT ở TPHCM.
Thành Nam (Tiền Phong)